Chính sách Đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất: tuyên truyền là chính
Người dân thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây khiếu kiện vì bị thu hồi đất mà đền bù không thỏa đáng hồi năm 2007 (AFP)
Chủ trương về việc đào tạo nghề và hỗ trợ tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi đã được chính phủ Việt Nam ban hành hơn chục năm qua. Tuy nhiên, một số người có đất bị thu hồi cho rằng chính sách này chủ yếu nhằm tuyên truyền chứ hiệu quả không cao.
Không thiết thực, mang tính chất tuyên truyền.
Quyết định số 12 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 31/7.
Theo Quyết định này, người lao động có đất bị thu hồi sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… trong thời hạn năm năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.
Những người được hưởng lợi, theo quy định của chính sách này bao gồm: người lao động có đất nông nghiệp thu hồi và người lao động có đất kinh doanh thu hồi.
Ông Yang, một người dân tộc H’mông ở tỉnh Điện Biên, cho biết gia đình ông có đất rẫy nhưng không thể làm sổ đỏ được. Lý do được Chính quyền địa phương nói rằng đây là đất sẽ được quy hoạch làm trường học hoặc công viên trong tương lai.
Ông Yang nói với RFA rằng điều ông lo ngại nhất là giá cả đền bù chứ không phải ông có được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc tạo công ăn việc làm mới hay không. Bởi, theo ông Yang, chính sách này không phù hợp với mình - những người đã ngoài 40, cả đời chỉ sống dựa vào nương rẫy:
“Cái đó nó cũng không thiết thực lắm. Kể cả mình được đào tạo được nghề hay là có làm nghề mới thì người ta bảo anh này là quá tuổi lao động rồi, thế nó mới khổ như vậy đó.”
Ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm bị thu hồi đất năm 2011, cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng vấn đề là không có ai thực hiện:
“Đó là một cái chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng mà người ta có thực hiện hay không mới là quan trọng. Người ta nói ra để cho có để truyền truyền mà người ta có thực hiện hay không, thực hiện tới đâu mới là quan trọng. Không có ai kiểm tra làm cái chuyện đó.”
Từ kinh nghiệm thực tế bản thân mình, ông Ca cho biết gia đình ông thậm chí còn bị làm khó trong việc làm ăn chứ chưa nói tới được hỗ trợ việc làm:
“Mấy ông này ông nói là truyền truyền thôi. Thậm chí là gia đình tôi, con cái tôi đi làm còn bị nó đến tận cơ quan nó đòi đuổi việc do là có ông bố chuyên môn đi khiếu nại tố cáo.”
Trên các phương tiện truyền thông, nhiều lãnh đạo đã từng phát biểu chỉ đạo các địa phương phải chú trọng thực hiện chính sách này. Mới nhất, chiều ngày 17/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan hữu trách phải rà soát các hộ gia đình có đất bị thu hồi để không bỏ sót bất cứ ai cần hỗ trợ; Đồng thời làm rõ tiêu chí, điều kiện để được tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo cho từng trình độ, tìm việc làm để chỉnh kinh phí phù hợp cho từng địa phương.
Chính sách về đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất đã được ban hành từ năm 2012. Từ đó đến nay, chưa có thông tin công khai về ngân sách được chi để thực hiện chính sách này. Chỉ có một vài tỉnh thành báo cáo về quá trình thực hiện chủ trương này và số lượng người được hỗ trợ, chứ cũng không có thông tin về số tiền ngân sách phải chi ra cho các dự án này.