Mật nghị bầu Giáo hoàng diễn ra thế nào?
Những hồng y khắp thế giới đủ điều kiện bỏ phiếu sẽ đến Vatican để bầu giáo hoàng mới, trong trường hợp giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm.
Bắt đầu quy trình chọn giáo hoàng
Theo thông tin từ Hội đồng Giám mục Công giáo Mỹ (USCCB), khi một giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm, quyền quản lý Giáo hội Công giáo tạm thuộc về Hồng y đoàn. Sau khoảng 15 - 20 ngày, Hồng y đoàn sẽ nhóm họp tất cả hồng y đủ điều kiện bỏ phiếu, đang làm việc tại các giáo phận hoặc tổng giáo phận trên khắp thế giới, tập trung tại Vatican để bầu ra người đứng đầu Tòa thánh trong cuộc họp kín (Mật nghị).
Điều kiện tiên quyết để bỏ phiếu là các hồng y phải dưới 80 tuổi và số người tối đa tham gia mật nghị là 120 người. Các hồng y sẽ tụ họp tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican để thực hiện Thánh lễ cầu nguyện. Những hồng y đại diện sẽ đến Nhà nguyện Sistine để tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối về buổi bỏ phiếu. Họ không được rời khỏi mật nghị và không được trò chuyện với ai bên ngoài cho đến khi quá trình bầu chọn kết thúc. Nhà nguyện cũng kiểm tra, rà soát kỹ các thiết bị ghi âm, ghi hình để bảo mật tuyệt đối.
Trong quá trình bỏ phiếu, các hồng y sẽ viết tên người mình muốn bầu vào lá phiếu in dòng chữ Latinh "Eligo in Summun Pontificem" (Tạm dịch: Tôi xin bầu lên chức vị Giáo hoàng). Các hồng y sẽ không được bầu cho chính mình.
Lá phiếu sau đó được gấp lại và đặt vào chén Thánh trên bàn thờ. Có 4 vòng bỏ phiếu được thực hiện mỗi ngày cho đến khi một ứng viên nhận được 2/3 phiếu bầu. Nếu kết thúc vòng bỏ phiếu mà chưa chọn được giáo hoàng, các lá phiếu sẽ được đốt tại ở Nhà nguyện Sistine và trộn cùng với chất tỏa ra khói màu đen.
Ngược lại, nếu ứng viên nhận 2/3 số phiếu thì hồng y niên trưởng sẽ hỏi vị đó có chấp thuận làm giáo hoàng không. Nếu đồng ý, ứng viên nêu trên sẽ thành giáo hoàng mới kể từ thời điểm đó. Người này sẽ chọn tông hiệu, mặc phẩm phục và tiến ra ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter để hiện diện trước công chúng. Phiếu bầu ở vòng cuối cùng được đốt cùng chất tạo khói trắng tại Nhà nguyện Sistine, báo hiệu với thế giới rằng Giáo hội Công giáo có người lãnh đạo mới.
Ai có thể trở thành giáo hoàng?
Về cơ bản, nam giới là Công giáo thì đều có thể được bầu làm giáo hoàng. Tuy nhiên trên thực tế, kể từ thế kỷ 14, những giáo hoàng được bầu chính thức đều là người thuộc Hồng y đoàn tham gia bỏ phiếu.
Quy trình bầu giáo hoàng hàng trăm năm qua thường diễn ra sau khi một giáo hoàng qua đời. Một ngoại lệ xuất hiện vào năm 2013, khi cố Giáo hoàng Benedict XVI trở thành người đầu tiên sau 600 năm từ nhiệm chức vụ và Giáo hoàng Francis được bầu làm người kế nhiệm.