Tạ ơn mẹ - Nhớ tình em

Lần đầu tiên một nhóm gồm các cựu Sinh viên UTA và Thân hữu là Trần Đoan Hạnh – Nguyễn Trọng Hiếu – Phạm Dương – Vũ Đức Duy – Trần Thái Hoe – Nguyễn Trọng Khôi – Trần Thu Miên – Lê Kim Oanh – Phạm Đức Thắng – Phan Quang Trọng và Mai Tuyết tổ chức một chương trình Văn Hóa-Văn Nghệ-Dạ Vũ nhân Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay tại quán Hải Âu, thành phố Arlington.

Chương trình được gợi ý trong tinh thần văn hóa: “Công Cha Như Núi Thái Sơn – Nghĩa Mẹ Như Nước Trong Nguồn Chảy Ra” với chủ đề “TẠ ƠN MẸ - NHỚ TÌNH EM”.

Chương trình mở đầu với ý nghĩa về chủ đề buổi tổ chức của Tiến sĩ Phan Quang Trọng “Tạ Ơn Mẹ - Nhớ Tình Em”. Trong tâm tình đó những người anh em nam giới của chúng tôi xin dành buổi sinh hoạt hôm nay để vinh danh và cảm tạ tất cả những người phụ nữ hiện diện, vắng mặt hay đã khuất. Cảm ơn quý vị đàn ông, sự có mặt của quý vị cũng nói lên tình cảm dành cho các bà mẹ, người vợ…

Tiếp theo là phần giới thiệu quan khách thân hữu như Tiến sĩ Thị trưởng Trương Minh Ẩn và phu nhân thành phố Haltom City. Bà Lễ Sanh Hương Muội Chánh Trị Sự Thánh Thất Cao Đài Moutainview, ông Lê Phú Hữu quyền Chánh Trị Sự…

Bài phát biểu của Tiến sĩ Trần Thành tức là nhà văn Trần Thu Miên cũng có thể nói anh là người đạo diễn chủ đề của buổi tổ chức đêm hôm ấy: “Chủ đề về Mẹ là chủ đề đã có từ bước chân đầu tiên của con người hiện diện trên mặt đất này.

Nhân dịp Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ tối nay, anh chị em trong ban tổ chức chọn chủ đề “Tạ Ơn Mẹ - Nhớ Tình Em” để vinh danh những người Mẹ Việt Nam. Ai trong chúng ta cũng có ít nhất một bà mẹ. Rồi khi lớn lên nhiều người còn có Mẹ chồng. Các ông lại gọi vợ mình là em, mẹ của các con. Như quý vị thấy em đây có thể là vợ và cũng có người trong cái duyên trong cuộc đời hai mẹ vợ, hai mẹ chồng…

Tình mẫu tử là bản năng thiên phú, không chỉ có trong xã hội loài người mà ngay cả trong các loài thú. Huyền thoại về một loại chim đã tự mổ vào ngực mình hiến máu nuôi con. Chính loại chim này được một số tôn giáo như Thiên Chúa Giáo dùng như một biểu tượng nói về sự đổ máu của Đấng Cứu Tinh cứu rỗi nhân loại. Tình mẫu tử là một tình cực kỳ to lớn không cách nào diễn tả được. Ở mỗi loài thú có cách biểu lộ tình mẫu từ khác nhau cũng như trong xã hội loài người tình mẫu tử được biểu tỏ tùy theo văn hóa, điều kiện địa lý hay kinh tế trải qua các biến đổi của lịch sử tràn ngập xương máu. Các bà mẹ trở thành biểu tượng của sức chịu đựng và lòng can đảm có một không hai trên địa cầu. Biết bao nhiêu thế hệ, có những bà mẹ một mình nuôi con vì chồng đi chinh chiến.

Gần đây ở cuối thế kỷ thứ 20 đã có biết bao nhiêu bà mẹ đã phải một mình nuôi con vì chồng bị cưỡng bách đi tù cải tạo. Rất nhiều bà mẹ phải tảo tần dành dụm để đi thăm chồng, thăm con trong các trại tù cải tạo. Cũng có rất nhiều bà mẹ trong đó có Mẹ tôi đã có một thời hằng đêm âm thầm chờ và mong tin những đứa con bỏ nhà vượt biển, vượt biên đi tìm tự do. Đó là một số hình ảnh khiêm nhường về người đàn bà Việt Nam, Mẹ của chúng ta…

Trở về cội nguồn, chúng ta còn có Mẹ Âu Cơ. Huyền thoại về Mẹ Âu Cơ hạ sanh được 100 quả trứng tiêu biểu cho triết lý đa văn hóa. So sánh với các câu chuyện thần thoại từ các nguồn gốc dân tộc trên thế giới; thần thoại Mẹ Âu Cơ đầy tính nhân bản, đỉnh cao của trí tuệ loài người.

Đến cuối thế kỷ thứ 20 nhiều quốc gia tân tiến mới khám phá ra được cái giá trị của đa văn hóa, đa chủng tộc, đa ngôn ngữ. Ở Đại học Hoa Kỳ cũng đang phát huy tinh thần đa văn hóa, triết lý nhân bản đa văn hóa đã tiềm tàng trong thần thoại Mẹ Trăm Con của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên đến nay dân tộc ta vẫn chưa phát huy được tinh thần đa văn hóa nhất là tinh thần đa nguyên. Văn hóa không những gì được ghi lại trong sách vở nhưng chính là những gì sinh hoạt trong chúng ta. Chúng tôi mong rằng hằng năm trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt nên tổ chức những chương trình như văn hóa-văn nghệ “hoành tráng” hơn chương trình hôm nay để vinh danh các bà Mẹ Việt Nam từ ngàn xưa đến ngàn sau…

Đến đây thì anh mời tất cả mọi người đứng lên cùng vỗ tay để vinh danh các bà mẹ.

Các Bà Mẹ trong chiếc Áo Dài truyền thống.

Các Bà Mẹ và cũng là các Bà Vợ

Nhân dịp này Tiến sĩ Trần Thành cũng báo tin buồn về sự viên tịch của Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ. ngày 24 tháng 11 năm 2023. Đây là sự mất mát lớn lao cho người Việt Nam không riêng gì cho những người Phật Giáo và toàn thể người Việt Nam về phương diện văn hóa. Sự đóng góp về Phật Pháp, về Thi Ca, văn hóa rất lớn và 100 năm, hằng ngàn năm sau sẽ được nhắc tới…Ngài Tuệ Sỹ.

Lời cuối trong bài phát biểu là anh xin thay mặt các ông, các anh nói lời cảm ơn Mẹ Lớn, Mẹ Nhỏ, Mẹ Em:

“Ơn Trời những giọt mưa rơi     

Cho cây xanh lá cho đời xinh tươi

Ơn Em câu nói tiếng cười

Cho anh rạng rỡ với người chung quanh”

Tiếp theo phát biểu của nhà văn Trần Thu Miên là lời phát biểu của Lễ Sanh Hương Muội Chánh Trị Sự Thánh Thất Cao Đài Moutainview trong phần cầu nguyện và vinh danh các bà mẹ Việt Nam trong gia đình cũng như ngoài xã hội đặc biệt nói về người đàn bà trong Đạo Cao Đài tại Hoa Kỳ. Chữ Hiếu rất quan trọng của người con đối với Mẹ “Hiếu Nghĩa Di Tiên”…

Bài phát biểu cuối cùng ban tổ chức mời nhà văn Thu Nga, Giám đốc Đài Phát thanh Saigon Dallas 1160AM nói về Mẹ qua chiều dài lịch sử…

Chương trình chia làm hai phần: Văn hóa – Văn Nghệ và Dạ tiệc & Dạ Vũ

Chương trình văn nghệ gồm đủ tiết mục họp ca, đơn ca và vũ. Màn trình diễn “Tìm Mẹ trong mơ” của Nhóm Sân Khấu Nhỏ tuy chỉ được tập dượt trong thời gian ngắn nhưng cũng góp phần làm khởi sắc đêm “Tạ Ơn Mẹ - Nhớ Tình Em”.

Tiến sĩ Phan Quang Trọng với ca khúc Ngậm Ngùi

Vì đường xa, chúng tôi không thể tham dự đến cuối chương trình. Trên đường về bên ngoài mưa không lớn nhưng lòng tôi lại vô cùng ấm áp bởi bên cạnh tôi có người bạn đời đã sống chung với tôi vừa đúng 21 năm. Tôi nhớ lại lời của Trần Thu Miên và quay qua bên phải tìm bàn tay vợ tôi như một lời cảm ơn. Vợ tôi im lặng gật đầu như một sự cảm thông…!!! 

Previous
Previous

Năm 2024 Bến Thành Plaza Arlington sẽ có khuôn mặt mới

Next
Next

Dallas-Fort Worth ngày tháng cuối năm không bình yên