Kỷ niệm 236 chiến thắng Đống Đa và 15 năm thành lập của Hội Đồng hương Bình Định Dallas-Fort Worth và vùng phụ cận

Garland, TX.- Trưa Chủ nhật, ngày 02 tháng 02 năm 2025 đúng vào ngày Mùng 5 Tết Âm Lịch năm Ất Tỵ; Hội Đồng Hương Bình Định tại Dallas-Fort Worth và vùng Phụ cận đã trân trọng tổ chức kỷ niệm mừng Chiến thắng Đống Đa của anh hùng Nguyễn Huệ đất Bình Định lần thứ 236, cũng nhân dịp đánh dấu 15 năm thành lập Hội Đồng Hương Bình Định trong sinh hoạt cộng đồng tỵ nạn tại địa phương Dallas-Fort Worth.

Người Việt Nam lưu vong chúng ta, đặc biệt người Bình Định mặc dù do hoàn cảnh phải lìa xa quốc thổ, tứ tán bốn phương, vẩn luôn nhớ về nguồn, vẫn có những phút lắng lòng nghe đâu đó tiếng voi gầm, tiếng trống giục, quân reo của chiến thắng đầu xuân năm nào và hình ảnh vị anh hùng áo vải vẫn luôn đậm nét trong mỗi chúng ta, vừa như một niềm kiêu hãnh của quá khứ, vừa như một gợi nhắc, một thôi thúc đề mọi người tự vẫn lương tâm minh và chọn lựa cách hành xử xứng đáng. Rất nhiều người, rất nhiều trái tim thi sĩ và tấm lòng Việt Nam, dù biết quê hương nghìn trùng xa cách nhưng vẫn luôn gợi nhắc cho chúng ta, cho thế hệ mai sau những chiến tích huy hoàng của dân tộc, những giai đoạn vẻ vang của lịch sử:

Bắc phạt kỳ công

Nhất phá Thanh binh danh kiệt tướng

Tây Sơn hoàn vĩ nghiệp

Thiên thu Việt quốc sử Quang Trung

(Cao Tiêu)

Bình Định anh hùng khởi lục ba

Điều binh Nam Bắc cứu sơn hà

Tướng quân Đệ nhất càn khôn tạo

Đại Đế kỳ tài thiên hạ tôn

(Huy Lực)

Hai trăm năm trước vị anh hùng

Áo vải cờ đào vó ngựa tung

Tam Điệp voi gầm, ta phấn khởi

Ngọc Hồi lũy đổ, giặc tiêu tùng

Nửa đêm đại áng gươm lòe sáng

Một sáng Thăng Long lửa nổ bùng

Sĩ Nghị chạy dài văng ấn tín

Oai hùng thay, Đại Đế Quang Trung

(Bảo Vân)

Đó là lý do, ngày tổ chức ngày Chiến Thắng Đống Đa của Đại Đế Quang Trung là một trách nhiệm không thể thiếu đối với bổn phận người con dân nước Việt nói chung và người dân Bình Định nói riêng cũng như Hội Đồng hương Bình Định…

Trong không khí náo nhiệt, những lời chào hỏi chúc mừng gặp nhau đầu năm đã tạm lắng xuống khi chương trình khai mạc đúng 12 giờ như đã được thông báo.

Sau nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà – Hoa Kỳ và phút mặc nhiệm thường lệ, ban tổ chức cũng không quên nhắc lại những sáng lập viên, cố vấn đã nằm xuống như một sự cầu nguyện, biết ơn. Chương trình được điều hợp bởi cô Huệ Quỳnh, một con dâu Bình Định. Lễ rước di ảnh Đại Đế Quang Trung là hình ảnh nổi bật và trang nghiêm với toán lễ phục cờ lọng tiến về sân khấu và dưới sự điều động của thông xướng nghi lễ là ông Nguyễn Đình Cơ tiến hành nghi thức tế lễ…Chương trình nghi thức liên quan khi ông Thái Hóa Tố đọc phần tiểu sử của Đại Đế Quang Trung Nguyễn Huệ

TIỂU SỬ ĐẠI ĐẾ QUANG TRUNG

Kính thưa quý Quan khách và đồng hương,

Kể từ ngày thành lập Hội Ái Hữu Đồng Hương Bình Định Dallas-Fort đã trải qua 15 năm và trách nhiệm tổ Kỷ niệm ngày Đại Thắng Đống Đa đều được tổ chức trang trọng với sự đông đảo quan khách và đồng hương địa phương tham dự…

Mỗi lần tổ chức, Hội Đồng Hương Bình Định đều nhắc đến người anh hùng  Nguyễn Huệ (1753- 1792) còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế, vua Quang Trung hay Bắc Bình Vương, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, nhà quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm mà chưa hề thất bại lần nào. Do có nhiều công lao, ông được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam.

Cuộc đời của Hoàng đế Quang Trung được biết đến qua các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, các sử gia cận đại, hiện đại và cả trong văn học dân gian.

Tương truyền Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến Phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo ra Hùng Kê quyền, cả ba anh em Nguyễn Huệ sáng tạo ra Độc Lư Thương. Tây Sơn Tam Kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành và phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.

Năm Tân Mão 1771, Nguyễn Nhạc cất binh khởi nghĩa, xây dựng căn cứ chống chính quyền tại Tây Sơn ( Bình Định). Trong giai đoạn xây dựng thế lực, Nguyễn Huệ đã giúp Nguyễn Nhạc xây dựng kinh tế và huấn luyện quân sự. Sau 2 năm khởi nghĩa, vào năm Quý Tỵ 1773, anh em Nguyễn Huệ hạ được thành Quy Nhơn. Từ đó quân Tây Sơn đánh ra các vùng lân cận và đến cuối năm 1773 kiểm soát được từ Quy Nhơn ra đến Bình Thuận, làm suy yếu chính quyền chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ Nguyễn Huệ mới có 20 tuổi, được Nguyễn Nhạc quyết định cử làm chủ tướng mang quân vào Nam và từ đây con đường binh nghiệp của Nguyễn Huệ, tài năng của Nguyễn Huệ càng được khẳng định.

Những chiến dịch tấn công Gia định của quân Tây Sơn đều là những chiến dịch lớn, đặc biệt là khi có Nguyễn Huệ tham gia và oanh liệt hơn cả là trận đánh năm Đinh Dậu 1777 tiêu diệt chính quyền chúa Nguyễn ở đàng trong.

Năm Mậu Tuất 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Huệ được phong là Long Nhương tướng quân. Lúc bấy giờ các tướng của họ lại lập Nguyễn Ánh (1762- 1820) làm chúa, chiếm lại Gia Định. Đến tháng 3- 1782, Nguyễn Huệ cùng vua Thái Đức ( Nguyễn Nhạc) mang quân thủy bộ nam tiến, phá tan quân Nguyễn. Nguyễn Ánh bỏ chạy về Hậu Giang, sau đó bỏ chạy ra Hà Tiên rồi trốn ra đảo Phú Quốc bị quân Tây Sơn truy kích, cuối cùng Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm cầu viện. Nguyễn Huệ đã cho bố trí trận địa và nhử cho quân Xiêm đến Rạch Gầm- Xoài Mút ( ở phía trên Mỹ Tho) để đánh một trận lớn tiêu diệt quân Xiêm. Chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, quân Xiêm khiếp đảm trước sức mạnh của quân Tây Sơn “sợ Tây Sơn như sợ cọp”.

Trong khi đó ở Bắc Hà, chúa Trịnh ngày càng suy yếu, Nguyễn Nhạc quyết định đánh chiếm Phú Xuân ( Huế), năm Bính Ngọ 1786 Nguyễn Huệ được cử làm tổng chỉ huy đem quân ra bắc tiêu diệt quân chúa Trịnh. Tháng 4 năm Mậu Thân 1788, vua Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô lưu vong, Nguyễn Huệ lại đem quân ra bắc lần thứ hai tiêu diệt Vũ Văn Nhậm, sau đó Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân.

Vua Lê Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh, vua Càn Long ( 1711- 1799) sai Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân vượt ải Nam Quan tiến vào Đại Việt. Trước tình hình trên, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, ngay sau đó cất quân ra bắc tiêu diệt gọn quân Thanh xâm lược trong đầu năm mùng 5  tết Kỷ Dậu 1789 cũng là Mùa Xuân Chiến Thắng Đống Đa mà hôm nay chúng ta cùng đến đây để tưởng nhớ công đức lần thứ 236 người anh hùng áo vải quê hương Bình Định ấy!

Đến ngày 29- 7 năm Nhâm Tý 1792 (16- 09- 1792) Hoàng đế Quang Trung đã đột ngột qua đời, hưởng dương được 40 tuổi. Sự ra đi của Nguyễn Huệ là một tổn thất không thể bù đắp và là điều không may cho nhà Tây Sơn. Cơ nghiệp ông để lại không được người thừa kế xứng đáng bảo tồn nên đã nhanh chóng mất về tay Nguyễn Ánh. Cái chết đột ngột của ông khiến đời sau còn tiếc cho nhiều dự định lớn lao chưa thành hiện thực.

Sau cái chết của Quang Trung,, nhà Tây Sơn đã suy yếu nhanh chóng. Những người kế thừa của ông đã không thể tiếp tục những kế hoạch mà ông đã đề ra để cai trị nước Đại Việt, lâm vào mâu thuẫn nội bộ và thất bạo trong việc tiếp tục chống lại kẻ thù của Tây Sơn, chính vì vậy mà mãi đến năm Nhâm Tuất 1802 triều đại nhà Tây Sơn đã hoàn toàn sụp đổ.

Cuộc đời hoạt động của Hoàng đế Quang Trung được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất của triều đại Tây Sơn. Tuy chỉ sống 40 năm nhưng ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách sau hơn 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, ông là vị tướng trên thế giới chưa thua một trận nào ( bách chiến bách thắng). Nhưng cuối cùng theo quan niệm của người phương đông, mọi việc không tránh được số, Hoàng đế Quang Trung cũng kết thúc cuộc đời theo lá số tử vi của ông, nhân mệnh cũng không thắng được thiên. Ông mất đi để lại nhiều triều đình nhà Tây Sơn và nhân dân cả nước.

Dù thế hệ này qua thế hệ khác, người con dân Bình Định vẫn nhớ Ngày Mùng 5 Tết, hình ảnh Vua Quang Trung áo chiến bào xông pha trận mạc, thằng vào Thăng Long. Chiếc áo báo đỏ của vị anh hùng dân tộc, qua nhiều trận huyết chiến đã đổi thành màu đen cháy vì khói của thuốc súng.

Nhà thơ Trần Văn Tâm đã làm bài thơ ca tụng chiến công oanh liệt của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, thắng quân Thanh trong những trận đánh thần tốc oai hùng cho thế hệ hậu duệ mỗi khi tổ chức kỷ niệm như hôm nay, lần kỷ niệm thứ 236 năm nay:

Mỗi độ Xuân vể

Lòng vui rộn rã

Nhắc chiến công xưa

Trang sử Việt uy nghi hồn Đại Đế

Trong khói trầm thơm tỏa

Anh linh hồn núi sông

Hỡi thế hệ Quang Trung

Hởi tinh thần bất khuất

Hãy vùng lên phất ngọn cờ vàng

Cứu nước lầm than khổ ải.

Trần trọng kính chào và cảm ơn quý vị”

Trong lời chào mừng quan khách, đồng hương tham dự Hội Trưởng Hội Đồng Hương Bình Định Võ Thu Hương trong sự lắng động và cảm xúc với sự tham dự đông đào từ những người từ xa cũng như gần: “

Kính thưa quí vị Dân cử, quý  đại diện Cộng đồng, Hội đoàn, quý cơ quan truyền thông báo chí, quý quan khách, quý đồng hương Bình Định và thân hữu.

Thật vinh hạnh cho chúng tôi khi được đón tiếp quý vị trong buổi lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Đống Đa và tiệc mừng Xuân Ất tỵ của Hội Ái Hữu Bình Định, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bình Định vùng DFW. 

Hôm nay đặc biệt là ngày mùng 5 Tết, cách đây đúng 236 năm Vua Quang Trung đã oai hùng chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi Đống Đa, vang danh sử sách ngàn đời.

Hội Ái hữu Bình định hàng năm xin thay mặt đồng hương trong vùng DFW tổ chức buổi đại lễ kỷ niệm này. Thành thật cảm ơn sự quan tâm của quý vị về lịch sử oai hùng của tổ tiên chúng ta và vận mệnh của đất nước dân tộc Việt Nam trong suốt  nữa thế kỳ qua . Sự hiện diện của quý vị là một niềm khích lệ lớn lao đối với chúng tôi và toàn thể hội viên của hội ái hữu Bình Định vùng Dallas FW.

Kính chúc quý vị có một năm mới thật là an khang thịnh vượng, tràn đầy niềm vui và dồi dào sức khỏe. Nhân dịp đây, chúng tôi là Hội trưởng hội ái Hữu Bình Định Dallas FW,  xin cảm ơn các  cô chú anh chị trong Ban tổ chức, các thiện nguyện viên của hội Bình Định đã giúp một tay, cùng tổ chức buổi lễ thật chu đáo cho ngày Đại Lễ hôm nay. 

Bất cứ một tổ chức nào của Cộng đồng Hội đoàn đều cần sự bảo trợ của các Mạnh Thường Quân. Chúng tôi xin trân trọng tri ân ông Trân Quang Hồng và bà Cindy Ngọc Anh của công ty Cindi’s NY bakery and restaurant đã bảo trợ cho hội Bình Định 1000 Mỹ kim. Cảm ơn bác sĩ Đàng Thiện Hưng, mặc dù không đến dự được nhưng cũng đã bảo trợ 1000 Mỹ kim cho hội Bình Định. Và lát nữa đây chắc chắn chúng tôi sẽ đọc thêm danh sách quý mạnh thường quân đã yểm trợ cho Hội Bình Định ngày hôm nay.. 

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của tất cả quý vị có mặt trong buổi Đại lễ kỷ niệm 236 năm ngày đại đế Quang Trung chiến thắng Đống đa và tiệc Mừng Xuân của Hội ái hữu Bình Định DFW. Kính chúc quý vị có một buổi lễ thật ý nghĩa , thật vui vẻ trong tình đồng hương  và thân hữu trong mùa Xuân mới này…” 

Niệm hương trước di ảnh Đại Đế Quang Trung

Một đại diện diện quan khách cũng là một thân hữu đặc biệt, đó là Tiến sĩ Trương Minh Ẩn, Thị trưởng thành phố Haltom City đã được ban tổ chức mời phát biểu trong sự kiện lịch sử đầu năm. Hai điều đáng chú ý khi nói về tinh thần Quang Trung Nguyễn Huệ, người Việt xa quê hương cần phải đoàn kết. Điều thứ hai ông nhắc lại lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam 50 năm chính phủ Mỹ vì không giữ lời hứa nên miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Biết bao nhiêu số phận người dân và quân nhân cán chính VNCH đã hy sinh, bỏ mình trên đường đi tìm tự do hay bị đày ải trong các trại  tù cộng sản , và 50 năm trôi qua vết thương lòng vẫn còn quá lớn… Chính phủ Mỹ cần phải có lời xin lỗi với người dân và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông cho biết là đang viết thư gửi cho TT Trump để đề nghị điều này

Một chương trình không thể thiếu trong các chương trình thường dành vào phút cuối là “chương trình kính lão đắc thọ”. Ban tổ chức đã dành một số phần quà dành tặng cho các vị cáo niên trong hội trên 80 tuổi. Trong dịp này, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc cũng đã chia sẻ là ông  rất ngưỡng mộ vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ , và ông nói rằng chương trình hôm nay của hội Bình Định làm rất hay và có ý nghĩa . Ông  Khương Hữu Lộc chúc cho hội Bình Định ngày một phát triển vững mạnh và không quên lời chúc Tết đầu năm và “lì xì” cho “các cụ” cao niên Bình Định.

Quan khách tham dự ngày Kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa 236

Những người tham dự ngày Chiến Thắng Đống Đa sẽ không quên hình ảnh sống động qua các hoạt cảnh về Đại Đế Quang Trung do Hội trưởng Thu Hương đạo diễn cũng như San Khấu Nhỏ để mọi người cùng hồi tưởng một thời hào hùng cùng lúc được ban tổ chức mời mọi người cùng thưởng thức đặc sản quê hương Bình Định. Chúng tôi nhận ra có 3 món trong thực đơn là bánh ít trần, bún cá Bình Đình Định và đặc biệt có món “củ mì”. Một người trẻ Bình Định trong bàn cắc cớ hỏi: ‘Tại sao gọi dân Bình Đình Định là dân củ mì’. Người viết đành chịu thua. Nhưng này đã tìm được câu trả lời và xin chia sẻ và kết thúc bài tường thuật là tại sao gọi dân Bình Định là dân củ mì:

“Tại sao người ta cứ hay gọi dân Bình Định là "dân củ mì"? Vì trong mắt họ củ mì là thứ “dùng tạm” khi cần thiết, sau đó thì là “đồ bỏ”. Có những loại cây có cái tên nghe rất "ghê", nhưng trong y học, nó lại đc gọi 1 cách thật "mĩ miều". Như cây Chó đẻ, thì đc gọi là Diệp hạ châu, cây Mắc cỡ là Trinh nữ, hay cây Me đất bé nhỏ hay mọc ở sau nhà lại đc các bạn trẻ gọi là Cỏ 3 lá,... Ở xứ khác người ta gọi củ mì là củ sắn, khoai mì… Còn quê tôi xưa nay gọi củ mì chỉ đơn giản là… Củ mì. Củ mì là một loại cây hoa màu, một loại lương thực sau gạo như bắp và các loại củ như củ khoai lang, củ khoai từ, củ khoai mỡ, củ khoai môn… Củ mì ăn thay gạo lúc thiếu đói, ăn chơi khi đầy đủ. Cả nước, ai cũng biết ăn củ mì, chống đói bằng củ mì, nhưng người ta cứ gọi dân Bình Định chúng tôi là “Dân Củ Mì”, có lẽ vì người quê tôi lúc đó trồng nhiều cây mì, hay ăn củ mì, và cái chính là thích ăn củ mì, nên đã biết được nhiều cách chế biến củ mì thành những món ăn hấp dẫn. Củ mì được trồng ở khắp mọi nơi chứ đâu riêng gì Bình Định vì nó không kén đất, không phải chăm sóc nhiều, nhưng người ta vẫn hay gọi dân quê tôi là “Dân Củ Mì”. Tôi biết có người gọi như vậy với hàm ý ám chỉ quê tôi nghèo, cục mịch. Nhưng những người hiểu biết, đó là cách gọi một cách khách quan để nói đến một vùng miền… Còn những ai từng ăn, từng sống nhờ củ mì (như ông bà, cha mẹ và cả chúng tôi) thì đó là cách gọi đầy hoài niệm và yêu mến. Tôi chợt nghiệm thêm ra từ “Củ Mì, Củ Mì” người ta hay dùng để ám chỉ những người hiền lành, chất phác như người dân BÌnh Định của tôi… Thế mới biết củ mì còn ẩn chứa một giá trị đạo đức truyền thống. Do vậy, tôi thấy vui khi được thiên hạ gọi mình là “Dân Củ Mì!”. Tôi yêu Bình Định, và yêu cả những người "Dân Củ Mì" quê tôi...”

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

Mừng Xuân Ất Tỵ Giáo Xứ St. Elizabeth Ann Seton

Next
Next

Cộng đồng Dallas tổ chức góp ý về thư viện sắp xây cất