Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.
Ông Võ Minh Đức, một cựu sĩ quan quân đội có hơn 10 năm trong quân ngũ, từng tham chiến ở Campuchia nhận định:
“Chuyện đưa quân vào Kampuchia năm 1979 cần nhận định lại cho rõ.
Khờ Me Đỏ mang quân qua cướp hiếp giết chóc đồng bào biên giới là lý do trước mắt, còn về lâu dài, nó là tay chân của Tàu cộng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho VN, vì vậy VN mang quân qua tiêu diệt nó là cần thiết. Mục đích chính của chiến tranh qua biên giới là vậy chứ không có chuyện VN đem quân qua để làm nghĩa vụ quốc tế giải cứu dân Kampuchia.”
Việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia và ở lại đã gây ra những phản ứng gay gắt từ quốc tế và Việt Nam phải chịu cấm vận, cô lập khỏi quốc tế trong nhiều năm cho đến Đảng Cộng sản Việt nam vào năm 1987 ra nghị quyết rút toàn bộ quân khỏi Campuchia để mở cửa kinh tế. Năm 1989, Việt Nam chính thức rút toàn bộ quân khỏi Campuchia.
Mặc dù vậy, các tài liệu của chính phủ Việt Nam khi đó viết rằng sau khi thấy chính phủ Campuchia mới có thể đứng vững, Việt Nam mới có thể rút quân. Luật sư Vũ Đức Khanh nêu ý kiến của mình:
“Nói rằng Việt Nam có xâm lược Campuchia hay không thì tôi nghĩ điều đó không có giá trị vì trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong 10 năm liên tục từ 1979 đến 1989 đều nhắc tới việc các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng Campuchia nhưng không có một chữ nào liên quan tới Việt Nam nhưng tôi nghĩ mọi người đều hiểu rằng Việt Nam có chiếm đóng thật sự.”
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam đóng quân 10 năm ở Kampuchia:
“Hồi đó mới đánh tan, nhưng chưa tiêu diệt hết lực lượng Khờ Me Đỏ, chúng vào rừng và chạy qua Thái Lan lập chiến khu nhận viện trợ của Tàu cộng phản công trở lại. Nếu VN rút quân thì vài ngày sau Pôn Pốt trở lại Phnompenh, mọi chuyện quay lại xuất phát ban đầu. Tiếp tục ở lại tiêu diệt bằng hết Khmer Đỏ và giúp Kampuchia xây dựng nhà nước là điều phải làm, không có cách nào khác.”
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì mọi chuyện lúc đó như thế nên phải làm thế để cứu nước khỏi tay Trung Quốc. Tuy nhiên tất cả trở nên vô nghĩa sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn chết, Liên Xô sụp đổ, và chính quyền Việt Nam phải tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Trung Quốc sau nhiều năm xung đột.
Cựu sĩ quan quân đội, ông Võ Minh Đức nhận xét rằng không tự nhiên mà Việt Nam đem quân qua giúp Campuchia. Nếu Việt Nam muốn ổn định thì phải giữ Campuchia ổn định. Ông nói thêm :
“Lợi ích của giới chóp bu Việt Nam lúc đó là họ muốn xây dựng, hình thành một chính phủ, một Nhà nước Campuchia giống như chính phủ Việt Nam, tức Nhà nước xã hội chủ nghĩa.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên facebook cá nhân của mình vào tối ngày 5/6/2019 “Dưới góc độ công pháp quốc tế, không điều gì có thể biện minh được cho việc quân đội của quốc gia này chiếm đóng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền khác. Gọi đúng tên, đó là hành vi xâm lược.