Ngày 23 tháng Ba năm 1970 tôi nhập viện xin giải phẫu vết thương cũ nơi sườn trái để lấy ra một mảnh đạn cối 82 ly.
Bác sĩ của Bệnh Viện 71 Dã chiến Hoa-Kỳ ở Pleiku đã phải khoét một lỗ lớn cỡ lòng bàn tay bên sườn tôi, lấy mảnh đạn ra, rồi nạo hết thịt thối bám trên ba cái xương sườn. Vì vết khoét khá lớn, nên không thể khâu vá bằng chỉ, mà được nhét đầy băng vải tẩm trụ sinh, rồi đắp lại bằng một tấm băng lớn dày hai lớp chứa bông gòn ở giữa.
Tôi được điều trị ngoại trú, cứ hai ngày, phải trở lại bệnh viện một lần để thay băng. Mỗi lần thay băng là một lần đau muốn chết. Gần mười ngày sau tôi mới thấy các đốm thịt màu hồng bắt đầu nhô lên trên mặt vết mổ. Nhưng mỗi lần chùi rửa để thay băng, máu tươi vẫn tuôn ra ròng ròng.
Chiều 3 tháng Tư, từ bệnh viện về, vừa vào nhà, tôi đã thấy Trung Sĩ Triêm đang ngồi chờ tôi nơi phòng khách. Ông Trung Sĩ Ban 2 Liên Đoàn mới từ mặt trận về ghé thăm tôi. Ông cho tôi hay tin, Đại Đội Trinh Sát Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân của Thiếu Úy Đinh Quang Biện đi đầu, đã nhảy nhằm một bãi mìn cũ, trên căn cứ hỏa lực Tango, chết và bị thương cả chục người. Thêm vào đấy, tình hình an ninh căn cứ rất bấp bênh vì ban ngày thì bị cối địch pháo kích, ban đêm lại lo Đặc-Công Việt-Cộng tấn công. Trung Tá Bùi Văn Sâm, Liên Đoàn Trưởng đang bối rối lắm.
Ông Triêm móc túi, đưa cho tôi mảnh giấy có đôi giòng viết vội của ông liên đoàn trưởng:
"Ông Long nếu khỏe rồi, thì lên gấp, giúp tôi một tay."
Cuối thư là chữ ký dài ngoằng gồm đủ tên, họ, và chữ lót của người viết: "buivansam"
Tin tức không vui từ mặt trận do Trung Sĩ Triêm mang về, cùng với lời nhắn khẩn thiết của ông trung tá liên đoàn trưởng đã khiến tôi cầm lòng không được.
Sáng 5 tháng Tư năm 1970 tôi leo lên trực thăng, trong ba lô có mười ngày trụ sinh.
Vừa bay qua Tân-Cảnh vài cây số, tôi đã nhìn thấy một thác nước sáng như bạc, thẳng như sợi chỉ, đổ xuống từ đỉnh Ngok-Kean cao hơn nghìn thước.
Dưới chân núi là giòng sông xanh biếc, uốn khúc ngoằn ngoèo giữa rừng già Trường-Sơn trùng trùng, điệp điệp. Sông Pơ-Kô bắt nguồn từ vùng chân núi Ngok-Linh, chảy ngang Dak-Rôta, qua Dak-Pek, xuống Dak-Séang, tới Phi Trường Phượng-Hoàng (Dak-To), rồi xuôi về Nam.
Tiền đồn Dak-Séang nằm bên bờ Tây của con sông này. Căn Cứ Hỏa Lực Tango (T) lại nằm bên bờ Đông, xa hơn sáu cây số về hướng Đông Nam.
Trong màn khói sóng Pơ-Kô, trên Quốc-Lộ 14, Tango ẩn hiện mơ màng nơi bờ Nam của một cây cầu sắt đã gãy từ thời Pháp thuộc.
Càng trực thăng vừa chạm đất, đạn cối 82 ly của Việt-Cộng đã bay tới ào ào. Tôi vội nhảy ra khỏi máy bay, ôm đầu nhào về hướng bờ sông. Trên căn cứ, sáu khẩu 105 ly đua nhau bắn trả vào những điểm nghi ngờ hướng Đông.
Pháo kích vừa ngưng, Trung Tá Sâm cồng kềnh trong áo giáp và nón sắt, đã ra tận bờ sông dắt tôi vào trung tâm hành quân liên đoàn.
Ông đẩy tôi tới trước mặt một vị thiếu tá cũng dềnh dàng nón sắt, áo giáp, súng đạn, bản đồ, như đang chuẩn bị đi bay,
- Giới thiệu với ông, đây là Thiếu Tá Tòng, mới thay Trung Tá Bé.
Tôi đứng nghiêm chào ông tân liên đoàn phó,
- Chào Thiếu Tá, tôi là Trung Úy Vương Mộng Long, Trưởng Ban 2.
- Mình là anh em mà, chú Long há! Nghe nói chú đang nằm nhà thương?
- Vâng, tôi vừa mổ xong, vết thương chưa lành thì nhận được lệnh gọi lên đây.
Hình: Tr/úy Vương Mộng Long 1968
Thiếu Tá Chung Thanh Tòng Khóa 5 Thủ-Đức, là người Nam. Ông ăn nói rất nhỏ nhẹ và lịch sự. Vừa trao đổi vài lời, tôi đã có thiện cảm với ông.
Trung tâm hành quân liên đoàn ồn ào như cái chợ. Hầu như ai cũng bận rộn, tất bật. Loa khuếch âm của các máy truyền tin không ngớt tiếng đàm thoại của các hiệu đài. Ông Trung Tá Cố Vấn Trưởng chỉ kịp bắt tay tôi một cái, rồi hối hả chạy theo Thiếu Tá Tòng ra trực thăng để bay yểm trợ Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân đang chạm địch.
Trung Tá Sâm cho tôi biết, một sư đoàn Cộng-Sản đã bao vây căn cứ Dak-Séang gần nửa tháng nay rồi. Vùng hướng Bắc của chúng tôi, hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 42 Bộ Binh ngày nào cũng đánh nhau ác liệt với một trung đoàn Cộng-Sản, nhưng vẫn chưa bắt tay được lực lượng Dân-Sự Chiến-Đấu trú phòng trong trại Dak-Séang. Hai tiểu đoàn Biệt Động Quân tăng viện cũng gặp phản ứng mãnh liệt của địch bên hướng Tây Pơ-Kô. Tin tức do tài liệu nhặt trên tử thi của địch cho thấy Trung Đoàn 66 Cộng-Sản trụ vùng hướng Nam Dak-Séang, còn Trung Đoàn 28 Cộng-Sản án ngữ hướng Bắc tiền đồn này. Ban ngày Gunships và A.1 (Skyraider) Hoa-Kỳ vần vũ, ban đêm Spectre (A.C 130) và Shadow (A.C 119) thay nhau bao vùng.
Ông trung tá liên đoàn trưởng xác nhận, nhiệm vụ của tôi kỳ này không nhằm vào địch tình, mà nặng về công tác chống Đặc-Công và chống pháo kích. Tôi sẽ điều hành công tác phòng thủ để ông Thiếu Tá Lê Phú Đào, Sĩ Quan Phụ Tá Hành Quân có thể rảnh tay phối hợp với cố vấn Hoa-Kỳ lo phần không hỏa yểm.
Đại Úy Nguyễn Ngọc Di, Trưởng Ban 3 Liên Đoàn có vẻ đuối sức lắm rồi. Mới cách nhau chưa tới hai tuần lễ mà tôi thấy tóc anh Di đã bạc đi nhiều lắm.
Rời trung tâm hành quân, tôi đi tìm ông y sĩ trưởng của liên đoàn xin tá túc, vì anh binh nhì nấu cơm và anh hạ sĩ mang đồ ngủ của tôi đã chết vì mìn ngay ngày đầu tiên nhảy xuống Tango.
Sau khi vứt cái ba lô vào lều của Y Sĩ Trung Úy Hoàng Đình Mùi, tôi theo chân Thiếu Úy Biện đi kiểm soát hệ thống phòng thủ.
Căn cứ hỏa lực Tango nằm “ngay boong” trên một cái đồn cũ của Tây. Trừ ra phần bề mặt quốc lộ là không có dấu đào xới, còn hai bên đường, trong cỏ, hầu như cứ cách vài thước, lại có một cái lỗ do Công Binh để lại, sau khi đã đào lấy mìn đi. Trong lúc các hoạt động của căn cứ diễn tiến liên tục, thì hai chuyên viên tháo gỡ mìn bẫy vẫn thận trọng dùng lưỡi lê đi xăm xoi từng thước đất vùng nghi ngờ, tìm những quả M16 còn sót lại.
Vì biết chắc chắn rằng mình đang đi trên một bãi mìn, chỉ một giây lơ là, là banh xác ngay, tôi cảm thấy tóc gáy của mình dựng lên như lông nhím.
Tôi nghĩ rằng, nếu cứ để mọi người tự do đi tìm bụi bờ, phóng uế lung tung, họ có thể đạp phải mìn chết oan mạng, nên tôi đã chỉ định vị trí sáu cái cầu tiêu dã chiến trong vòng đai để Trung Sĩ Triêm đôn đốc toán lao công đào binh hoàn tất trước khi trời tối. Sau đó, tôi cho đại đội trinh sát giăng thêm hai hàng kẽm gai Concertina trên tuyến Đông để phòng chống Đặc-Công.
Tính tới ngày 5 tháng Tư thì Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 2 và hai Tiểu Đoàn 22 và 23 Biệt Động Quân đã có mặt trong vùng Nam Dak-Séang hơn một tuần lễ rồi. Mọi nỗ lực tiếp viện cho Dak-Séang đều nằm bên hướng Tây của sông Pơ-Kô. Hướng Đông hoàn toàn bỏ trống.
Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ nghe tiếng trực thăng, "Bạch! Bạch!" ở đằng xa, hoặc khi pháo binh trên căn cứ vừa khai hỏa, thì trên mặt đất, ai nấy lại lo chuẩn bị núp đạn cối của Việt-Cộng. Vị trí cối địch không xa lắm, chỉ loanh quanh đâu đó vùng đồng tranh giữa Ngok-Tang và Pơ-Kô. Nhưng khổ nỗi, ta không có quân để truy đuổi địch.
Đại Đội Trinh Sát Liên Đoàn 2 mang danh là đơn vị cấp đại đội. Thực ra, nó không có bảng cấp số, quân số phải lấy từ ba tiểu đoàn cơ hữu của liên đoàn. Lúc cao nhất, đếm đầu từ quan tới lính, tính luôn thủ kho, tài xế, cũng chỉ được trên dưới sáu chục mạng. Sau khi cả chục người chết và bị thương vì mìn, đơn vị này còn lại hơn bốn chục người thôi. Hiện nay, nó chỉ đủ sức bảo vệ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. Pháo binh phải tự túc việc canh gác phần đất của họ. Thành ra, lúc các khẩu đội bận tác xạ thì phòng tuyến của pháo binh hầu như bị bỏ ngỏ.
Chính vì sơ hở này mà đêm 1 tháng Tư, một mũi xung kích của Tiểu Đoàn 37 Đặc-Công Việt-Cộng đã có cơ hội lọt vào đánh gãy càng hai khẩu 105 ly của ta, rồi ném ba, bốn bánh bộc phá trên nóc lều của trung tâm hành quân liên đoàn. Cũng may, không có ai bỏ mạng.
Trước tình trạng này, tôi quyết định dồn tuyến phòng thủ thành từng ụ ba người, mỗi tổ cách nhau chừng hơn mười thước, ban đêm sẽ gác đôi, một ngủ, hai thức. Khoảng giữa hai ụ phòng thủ được gài bẫy sáng để báo động. Bằng cách này, pháo binh sẽ được Biệt Động Quân bảo vệ vòng ngoài, khi hữu sự, họ có thể yên tâm làm phận sự của mình mà không lo bị địch tấn công.
Vì tôi, nên ông bạn bác sĩ của tôi đã ra lệnh cho Ban Quân Y dựng thêm một cái nhà bạt trên bãi sậy nằm giữa căn hầm chứa thương binh và căn hầm của Ban 2 để tôi và Bác Sĩ Mùi trú ngụ.
Đêm ấy pháo binh bắn liên tục để yểm trợ cho một tiểu đoàn của Trung Đoàn 42 Bộ Binh bị địch ồ ạt tấn công nhiều đợt, trong khu vực hai cây số Nam Dak-Séang. Tới khuya, chúng tôi mới chợp mắt được. Mờ sáng ngày 6 tháng Tư, tôi bị Mùi gọi giựt dậy,
- Dậy mau! Nhưng nằm im đó! Coi đây!
Ông trung úy bác sĩ run run chỉ cho tôi vật gì đó lòi lên ngay dưới chiếu, nơi ông ta nằm. Thì ra đó là ba cái râu mìn M16! Ba cọng thép đã rỉ sét, bị ông bác sĩ nằm đè lên trên, nên cụp xuống mặt chiếu. Thoạt nhìn, cứ tưởng đó là ba cọng cỏ lác chui qua khe chiếu. Tới lúc coi lại thì hú hồn!
Hai đứa rón rén từng bước leo lên mặt lộ, gọi ông trung sĩ Công-Binh nhờ gỡ dùm quả M 16 đã bị cụp râu. Ai nghe chuyện này cũng cho là hai đứa tôi có thần hộ mạng, nếu không thì đã bị phanh thây đêm qua. Có thể quới nhơn đã phù hộ cho hai đứa tôi cũng nên? Ai đời, đi hành quân mà mang theo chiếu? Nếu anh chàng Hoàng Đình Mùi này mà trải chỗ nằm bằng poncho, râu mìn sẽ không chọc thủng được poncho, trong khi chúng tôi cứ giẫm đi, giẫm lại trên râu mìn, thì có khi, Mùi và tôi đã nằm trong poncho bay về Pleiku rồi cũng nên?
Buổi trưa có Chinook tiếp tế đạn pháo binh cho Tango. Chuyến đầu trót lọt. Tới chuyến thứ nhì thì bãi đáp bị địch pháo kích tơi bời, máy bay đành thả bành đạn giữa sông Pơ-Kô rồi vội vàng trở đầu bay về Nam. Lúc đó tôi đang đứng quan sát trên vài của cây cầu đã gãy. Qua ống nhòm, tôi thấy rõ hai cụm khói trắng bốc lên từ hai vị trí cối 82 ly của Việt-Cộng đặt dưới thung lũng, cách Tango chừng hai cây số. Tôi chạy về hầm Ban 2, lệnh cho Thiếu Úy Nhờ và toán Viễn-Thám sáu người của ông ta chuẩn bị năm ngày lương khô.
Chiều hôm đó ông Nhờ dẫn quân tới vị trí mai phục trên khúc đường mòn cách Tango ba cây số về hướng Đông. Trong thời gian này, tôi bắt hai nhân viên Ban 2 và ba nhân viên Ban 4 cùng Trung Sĩ Nguyễn Lác của toán tiếp tế trực thăng ra canh gác đêm trên vị trí mà toán Viễn-Thám của Thiếu Úy Nhờ đã bỏ trống.
Không biết toán của Thiếu Úy Nhờ có để lộ hình tích gì khiến địch nghi ngờ không, mà tuyệt nhiên mấy ngày sau, không còn trái đạn cối nào rơi xuống Tango nữa.
Hôm đó mặt trận Dak-Séang bên hướng Tây sông Pơ-Kô bỗng trở nên ác liệt hơn. Một máy bay vận tải C7 Caribou của Mỹ đang thả dù tiếp tế cho lực lượng trú phòng thì bị phòng không của địch đặt trong các hốc núi bắn rơi. Từ hôm sau, không quân Đồng Minh phải áp dụng chiến thuật thả dù ban đêm.
Ngày 7 tháng Tư, máy bay quan sát L.19 báo cho Thiếu Tá Lê Phú Đào biết rằng, có nhiều toán Việt-Cộng ngụy trang bằng vải dù di chuyển trong khu vực đồng cỏ tranh hướng Đông Bắc Ngok-Remang. Tin này được chuyển ngay cho Đại Úy Nguyễn Văn Thu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân để đề phòng.
Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân dàn quân theo thế chân kiềng, chiếm lĩnh ba ngọn đồi cao trên triền Đông Bắc của rặng Ngok-Remang.
Ngọn đồi thấp hướng Bắc do Đại Đội 4/23 của Trung Úy Trần Mừng (Khóa 18 Thủ-Đức) trấn giữ.
Ngọn đồi hướng Nam do Đại Đội 3/23 của Trung Úy Lê Văn Hùng (Khóa 20 Thủ-Đức) phụ trách.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 23 nằm chung với Đại Đội 1/23 của Đại Úy Nguyễn Công Bao và Đại Đội 2/23 của Trung Úy Nguyễn Văn Hùng.
Cả hai anh Bao và Hùng đều là bạn cùng Khóa 20 Võ-Bị của tôi. Từ trong trường, bạn bè đã gán cho Nguyễn Văn Hùng cái biệt danh "Hùng Cá Sấu" chỉ vì anh ta có cái cằm nhọn nhô ra như cái hàm cá sấu.
Trong Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân có hai trung úy mang tên Hùng, là Nguyễn Văn Hùng và Lê Văn Hùng, nên anh em quen miệng gọi Nguyễn Văn Hùng là "Hùng Cá Sấu" còn Lê Văn Hùng là "Lê Hùng" để tránh lẫn lộn.
Hình Hùng Cá Sấu đứng bên phải
Qua tần số riêng, tôi đã nói chuyện với Đại Úy Nguyễn Văn Thu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân khá lâu. Anh Thu là dân Long-An, xuất thân Khóa 19 Võ-Bị, ra trường trước tôi một năm. Anh Thu rất mê thi hào Lý Thái Bạch đời Đường, vì thế, chúng tôi gọi anh với cái tên "Thái Bạch" chẳng phải vì anh làm thơ hay, mà vì anh là tay uống rượu rất cừ.
Anh Thu than phiền rằng sở trường của Biệt Động Quân là chiến đấu lưu động, nay bị chỉ định nằm yên một chỗ như thế này thì quả là điều rất bất lợi. Anh lo sợ có thể bị địch tập trung tấn công đột ngột bất cứ lúc nào. Hôm đó tôi đã cho các anh Thu, Bao và Hùng Cá Sấu biết tần số Viễn-Thám của tôi, để khi bất trắc, họ có thể gọi tôi trên làn sóng trực 24/24 này mà không qua hệ thống liên đoàn.
Sáng 8 tháng Tư một toán tuần tiễu Biệt Động Quân báo cáo rằng, địch đang rầm rộ chuyển quân bao quanh ngọn đồi hướng Tây Nam do Trung Úy Lê Hùng trấn giữ. Lê Hùng là tay kinh nghiệm dạn dày, đã lăn lộn trên chiến trường Tây-Nguyên gần năm năm.
Sau khi đích thân quan sát tình hình, vị đại đội trưởng này đã hạ lệnh cho đơn vị để nguyên lều võng đánh lừa địch, rồi gài Claymore, lựu đạn, trên vị trí, sau đó âm thầm rút xuống triền núi hướng Đông, cách chỗ đóng quân cũ khoảng ba, bốn trăm mét, đào hầm hố nằm chờ.
Quả nhiên chỉ một giờ sau mìn bẫy nổ ầm ầm, xen lẫn tiếng quân reo, "Xung phong!"
Pháo binh đã có sẵn yếu tố, nên hàng chục tràng đạn hỗn tạp đã tưới xuống, bao trùm ngọn đồi kia.
Tuy vậy, hai giờ sau địch đã kịp thời chuyển tiếp một lực lượng đông đảo khác đánh vu hồi trên điểm đóng quân mới của 3/23. Báo cáo đầu tiên là chuẩn úy trung đội trưởng Nguyễn Khoa Khiêm bị bắn vỡ bọng đái. Tiếp đó, hai trung đội trưởng còn lại, Thiếu Úy Phan Ngọc Đồng và Thiếu Úy Lưu Trọng Kháng cũng bị thương nhẹ.
Giao tranh kéo dài hai giờ đồng hồ. Địch bỏ chạy, để lại gần hai chục xác. Quân bạn thiệt hại mất một phần ba đại đội, vừa chết vừa bị thương.
Sợ địch sẽ tăng viện tấn công lần nữa, Đại Úy Thu đã cho lệnh Lê Hùng cố gắng tải thương và rút toàn bộ đại đội về với tiểu đoàn. Nhưng mới đi được nửa đường đơn vị này lại bị địch chặn đánh ác liệt, Trung Úy Lê Hùng bị thương nhẹ vì B.40.
Cuối cùng ông tiểu đoàn trưởng đành nhờ Ghunships can thiệp để giúp 3/23 rút về khu rừng thưa hướng Đông nằm cố thủ.
Trong suốt thời gian đó đại đội của Trung Úy Mừng cũng bị Việt-Cộng tấn công từ hướng Bắc. Khe suối cạn ngăn cách giữa Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 23 và Đại Đội 4/23 đã bị một lực lượng cỡ đại đội của Việt-Cộng chốt giữ, cắt đứt đường lui. Khoảng hai giờ chiều, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 23 không còn liên lạc được với Trung Úy Trần Mừng nữa.
Nghi ngờ rằng địch đang chuyển quân, Đại Úy Thu xin pháo binh và phi cơ liên tục đánh chặn trên tất cả các đường tiến sát quanh ngọn đồi anh đang trú đóng. Từ đó cho tới xế chiều, tình hình tạm lắng dịu, chỉ còn pháo binh của ta và không quân Mỹ hoạt động mà thôi.
Đúng năm giờ chiều ngày 8 tháng Tư, ngọn đồi trung tâm, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 23 bị Việt-Cộng pháo kích như mưa. Tất cả Pháo Binh Cộng-Hòa từ Ben-Het, Dak-Tô và Tango cũng được lệnh quay mũi súng về hướng núi Ngok-Remang để ngăn chặn địch. Cả một vùng rừng núi trùng điệp chỉ còn là một cột khói và bụi khổng lồ cao ngút trời.
Trong thung lũng Dak-Lao súng nổ ran như pháo Giao-Thừa. Đứng cách xa hơn ba cây số, tôi còn nhìn rõ những lằn đạn lửa chằng chịt, đan nhau, chéo qua, chéo lại sáng cả một vùng. Bộ chiến bắt đầu lúc trời sụp tối. Anh Thu cho biết địch tấn công biển người từ hai hướng Tây và Nam, nhiều đợt liên tiếp nhau. Quân hai bên đã đánh sáp lá cà nên Không quân Hoa-Kỳ được yêu cầu đánh cận phòng. Thiếu Tá Lê Phú Đào và viên Cố Vấn Trưởng phải liên tục thay nhau đối đáp với nhân viên điều không tiền tuyến trên trinh sát cơ O.V.10.
Vì phi cơ oanh kích theo trục Tây- Đông, nên mỗi khi đánh bom xong, A 37 lại liệng sát trên Tango, lấy đà, rồi vọt lên cao, tiếng động cơ gầm rú ầm ầm, làm ù tai người dưới đất. Trên đỉnh Ngok- Remang hỏa châu soi sáng tựa ban ngày.
Vào lúc súng nổ rộ ác liệt nhứt thì liên lạc truyền tin với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân bị cắt đứt. Cùng lúc, trung tá cố vấn trưởng cũng mất liên lạc với đại úy cố vấn của Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân. Vì không còn liên lạc được với quân bạn, nên không yểm đành tạm ngưng. Thiếu Tá Tòng cho lệnh Trung Sĩ Minh (Ban 3) dò tìm các đài hiệu trên tần số nội bộ của Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân, nuôi hi vọng.
Mãi gần mười giờ đêm, chúng tôi mới nghe tiếng Trung Úy Mừng gọi liên đoàn xin tiếp cứu. Đại Đội 4/23 của anh bị đánh giạt xuống một cái khe núi hướng Đông Bắc vị trí cũ, rồi bị lạc trong rừng lau sậy hướng Nam suối Dak-Lao. Thiếu Tá Đào cho lệnh Trung Sĩ Hồng (Ban 3) mang một máy PRC 25 ra ụ cối 81 ly bắn trái sáng để hướng dẫn đoàn quân của Trung Úy Mừng đi theo hướng nước chảy mà tìm về bờ sông Pơ-Kô.
Bất chợt, trên máy Viễn-Thám, tôi nghe Trung Úy Nguyễn Văn Hùng gọi,
- Lê Lai đây Hồng Hà! Lê Lai đây Hồng Hà! Có nghe được không? Trả lời!
Mừng quá, tôi vội gắn cái loa khuếch âm vào máy, để tất cả mọi người có mặt trong trung tâm hành quân đều nghe.
Tới nước này, tôi chẳng còn câu nệ chuyện dùng ám danh hay ngụy thoại gì nữa, cứ bạch văn mà xài,
- Hồng Hà! Đây Lê Lai! Phải Hùng Cá Sấu đó không?
- Tao đây, Long ơi!
- Mày hiện nay ra sao? Cho tao biết đi.
- Mẹ kiếp! Tao bị gãy hai chân rồi! Lính của tao thì áo đỏ, áo vàng lền khên (đỏ: chết, vàng: bị thương) Tụi tao đã chơi hết mình, nhưng tụi nó đông quá! Chắc tao không trụ được lâu đâu mày ơi!
- Anh Thái Bạch thế nào?
- Tao giữ mặt Tây, anh Thu nằm bên mặt Đông với thằng Bao. Thằng Bao nói anh Thu chết rồi!
- Để tao lệnh cho thằng Mạnh Mẽ (Mừng) quay lại cứu mày!
- Nó chịu trận từ mờ sáng tới giờ, chắc không còn hơi sức đâu mà cứu tao.
- Thế còn thằng Bao. Nó có giúp gì cho mày được không?
- Thằng Bao cũng sắp hết đạn. Nó đang chuẩn bị rút. Nó cho người sang khiêng tao đi. Nhưng lính của tao bị thương nhiều lắm! Bỏ đàn em mà chạy thì tao không làm được. Thà chết thì thôi!
Hùng nói một hơi không nghỉ, tiếng nói của nó lẫn với tiếng súng chát chúa nghe như sát bên.
- Vậy thì tao có thể làm gì để giúp mày bây giờ?
Hùng Cá Sấu không trả lời. Hình như nó phải ngừng đàm thoại để tiếp tục bắn nhau?
Một hồi sau,
- Tao giục thằng Bao chạy rồi. Tao đoạn hậu cho nó chạy. Mày đón nó!
Tôi sang máy liên đoàn gọi Nguyễn Công Bao, nhưng không nghe ai trả lời.
Tình hình chắc chắn đang nguy kịch lắm nên tôi không nghe Hùng nói gì thêm. Lòng tôi bồn chồn, nóng như lửa đốt. Chúng tôi người này nhìn người kia, mà không ai biết sẽ phải làm gì lúc này. Chợt loa khuếch âm oang oang tiếng thét giựt giọng, lẫn với tiếng súng ròn rã, còn có cả tiếng "Oành! Oành!" của lựu đạn và thủ pháo,
- Lê Lai đây Hồng Hà! Tao bị tràn ngập rồi! Mày bắn lên đầu tao đi! Mau lên!
Tôi hướng về Trung Tá Sâm,
- Thằng Hùng xin bắn lên đầu, xin Trung Tá quyết định!
Trung Tá Sâm nhìn sang Thiếu Tá Tòng,
- Chỉ Đại Úy Thu mới có thẩm quyền. Giờ đây số phận cố vấn cũng không biết thế nào? Mình có xin oanh kích trên đầu quân bạn, chắc gì Mỹ nó chịu?
Thiếu Tá Đào trao đổi vài câu với ông trung tá Mỹ, rồi lắc đầu,
- Họ không chịu!
Trên đầu máy bên kia, Hùng Cá Sấu hổn hển, nghẹn ngào,
- Lê Lai đây Hồng Hà!... Long ơi! Long ơi!... Tao phải bắn... viên đạn cuối cùng rồi!... Vĩnh biệt mày!
Rồi máy của Hùng tắt phụt. Tôi chết lặng người, tai ù đặc như bị ai bưng kín.
Những người khác trong trung tâm hành quân có thể hiểu rằng bạn tôi đã tự sát, nhưng chắc có lẽ họ không biết ý nghĩa sâu xa của danh từ "Viên đạn cuối cùng" này đâu. Danh từ ấy mang ý nghĩa của một sự đứt gánh giữa đường đầy chua xót, đồng thời cũng biểu hiện cái nghĩa khí can vân của một Cựu Sinh-Viên Sĩ-Quan Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam.
Năm xưa, trên ngọn đồi 1515, Đà-Lạt, vào những giờ học "Lãnh Đạo Chỉ Huy", chúng tôi đã nghe thày dạy lặp đi, lặp lại bao lần:
"Sau này ra chiến trường. Khẩu súng Colt các anh đeo bên mình sẽ là khẩu súng chỉ huy giúp các anh leo lên tới cấp tướng. Nhưng nhớ giữ lại viên đạn cuối cùng, dành cho chính các anh, giúp các anh không rơi vào tay địch."
Lời khuyến cáo này đã trở thành câu kinh nhật tụng mỗi khi ra trận của chúng tôi, những sĩ quan xuất thân từ Trường Võ-Bị.
Đêm 8 tháng Tư năm 1970, dưới chân ngọn Ngok-Remang (Kontum) cao ngút tới mây, "Cùi" Nguyễn Văn Hùng, Tham Mưu Ban 5 Liên Đoàn của Khóa 20 Võ-Bị đã đứt gánh giữa đường, phải xử dụng đến viên đạn cuối cùng.
Từ lúc ấy cho tới sáng, tôi như một pho tượng, ngồi chôn chân trong một góc của trung tâm hành quân.
Vương Mộng Long –k20
(Còn tiếp)